Giới thiệu sách mới nhập của Thư viện
bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
1. Nguyễn Phương Nam –
Thảm bại của một bầy diều hâu (Về các tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt
Nam) – NXB Chính trị quốc gia – Hà Nội – 2010.
Chiến tranh đã
lùi vào dĩ vãng. Đất nước sạch bóng quân thù đã 35 năm. Khoảng thời gian ấy, với
ai đó đã có thể lãng quên nhưng với nhiều người, đó lại là độ lùi cần thiết để
nhìn lại lịch sử trên mọi góc độ. Là một nhân chứng đã đồng hành cùng dân tộc
trong suốt hai cuộc kháng chiến, từng trải nghiệm trên các chiến trường, tác giả
Nguyễn Phương Nam – một cán bộ lão thành cách mạng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đã
tích lũy được nhiều tư liệu phong phú qua năm tháng và nhiều nguồn thông tin
trong thời đại một “Thế giới phẳng”, từ đó đã thẩm định, bỏ cái thô lấy cái tinh,
bỏ cái giả lấy cái thật, tái hiện những sự kiện một thời trong cuốn sách Thảm
bại của một “bầy diều hâu” (Về các tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam).
Qua cuốn sách,
tác giả đã phản ánh khá chi tiết những âm mưu thủ đoạn chính trị, những chiến
lược và cả những bế tắc dẫn đến sự thảm bại của các đời tổng thống Mỹ - những
nhân vật từng nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa chiến tranh phi nghĩa tại Việt
Nam. Cuốn sách cũng đã nêu bật những khó khăn, gian khổ, những mất mát, hy sinh
của cả một dân tộc, những đặc trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng biểu hiện
trong các tầng lớp nhân dân, những sáng tạo tài tình, đầy trí tuệ, những chiến
tích thần kỳ của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Nhân dịp kỷ
niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 –
30/4/2010), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Thảm bại của một
“bầy diều hâu” (Về các tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) của tác giả
Nguyễn Phương Nam. Hy vọng với những tư liệu tin cậy, sự nhiệt thành cùng những
nhìn nhận cặn kẽ của người viết, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc một cái nhìn
mới mẻ, sâu sắc về một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và cũng để
thấy thêm bản chất “diều hâu” cùng tham vọng của lực lượng đứng đầu Nhà Trắng
trong một giai đoạn của lịch sử.
Nội dung cuốn
sách liên quan đến nhiều sự kiện, nhiều nhân vật diễn ra trong hơn 20 năm chiến
tranh ở Việt Nam và các sự kiện đã lùi sâu một phần ba thế kỷ.
2. Thành phố Hồ Chí Minh 35
năm xây dựng và phát triển - NXB Chính trị quốc gia – 2010
Sài Gòn –
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, năng động, với lịch sử phát triển
hơn 300 năm, thành phố luôn khẳng định là một trung tâm lớn của khu vực và
cả nước.
Trước giải
phóng, Sài Gòn từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viện Đông”. Tuy nhiên, mỹ danh
này có lẽ chỉ đúng một phần khi nói đến vẻ hào nhoáng của thành phố. Thực chất,
kinh tế thành phố nói riêng và miền Nam nói chung luôn phụ thuộc vào viện trợ
nước ngoài. Các ngành kinh tế nằm trong trình trạng kém phát triển, ngoại trừ
một số lĩnh vực phục vụ mục đích quân sự và hoạt động giải trí của quân nhân Mỹ
và giới chức quyền.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sài Gòn được đổi là Thành phố Hồ Chí
Minh. Ở
giai đoạn đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nổ lực vượt qua mọi
khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất. Với ý chí tự lực,
tự cường, thành phố đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, phù
hợp với thực tiễn địa phương, đưa ra nhiều giải pháp mới góp phần vượt qua khủng
hoảng, ổn định đời sống nhân dân.
Từ
năm 1986, cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đường lối đổi mới
toàn diện của Đảng. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ
cấu kinh tế có sự chuyển dịch hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các ngành kinh tế mũi nhọn được xác định và phát triển, tỷ trọng các sản phẩm có
lợi thế cạnh tranh tăng nhanh. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện,
phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của người dân. Cơ sở hạ tầng đang hoàn
thiện từng bước, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.
GDP của thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao trong GDP của cả nước, khẳng định vai
trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt
nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đời
sống vật chất, tinh thần của người dân thành phố được nâng lên rõ rệt. Những giá
trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Đầu tư
cho khoa học, y tế giáo dục, văn hóa, nghệ thuật tăng nhanh qua các năm. Thành
phố là địa phương thực hiện rất tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính
sách đối với người có công với cách mạng.
Quan
hệ đối ngoại và hợp tác của thành phố ngày càng được mở rộng với tinh thần chủ
động hội nhập, tính thiết thực và hiệu quả được nâng cao. Thành phố đã đón tiếp
nhiều đoàn khách quốc tế. Việc cung cấp thông tin cho người Việt Nam ở nước
ngoài được chú trọng. Kiều bào hiểu rõ về tình hình đất nước nói chung và thành
phố nói riêng, được tạo điều kiện thuận lợi để về thăm và làm ăn lâu dài tại quê
hương.
Nhân
kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng thành phố, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối
hợp với Thông tấn xã Việt Nam biên soạn và xuất bản cuốn sách Thành phố Hồ Chí
Minh – 35 năm xây dựng và phát triển. Cuốn sách tập trung phản ánh những nét cơ
bản trong quá trình phát triển của thành phố từ sau giải phóng đến nay.
3. Đại tá Trần
Trọng Trung – Võ Nguyên Giáp Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh – NXB Chính trị
quốc gia – Hà Nội – 2010
Với
tư cách là một nhà nghiên cứu am tường lịch sử chiến tranh cách mạng và là người
trong cuộc, bằng những tư liệu lịch sử chân thực của cả phía ta và phía đối
phương, từ thực tế xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta trong
cuộc kháng chiến lần thứ nhất, tác giả trình bày quá trình Đại tướng – Tổng Tư
lệnh Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chỉ huy toàn quân đánh
thắng đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp.
4. Nét xưa Hà Nội –
NXB Thông Tấn - Hà Nội – 2007
Hà
Nội, Thủ đô của Việt Nam là bông hoa xòe năm cánh cửa ô, là ngôi sao tỏa sáng từ
trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng đến khắp đất nước rộng dài, tươi đẹp.
Hà
Nội từng mang nhiều tên qua các thời đại từ Tống Bình, Đại La đến Thăng Long, Kẻ
Chợ, Đông Đô, Đông Quan rồi trở lại Thăng Long, nay là Hà Nội.
Nếu
kể từ thời “tiền Thăng Long” thì Hà Nội không chỉ có thành Đại La mà có cả dấu
tích vùng đất huyền thoại Cổ Loa của Thục Phán An Dương Vương. Hoặc xa hơn nữa
ngược về phía trước, Hà Nội còn có Thánh Gióng ở Sóc Sơn… vẫn để lại đậm nét
trong tâm thức của người Việt hôm nay.
Quá
khứ hào hùng của Hà Nội đã để lại trên mảnh đất này biết bao công trình văn hóa
và di tích lịch sử, cùng với nếp sống nhân hòa, thanh lịch. Nhưng cũng chính
thời gian và sự vô thức, hay cố tình của một số người đã làm mất đi hoặc làm
biến dạng biết bao phố phường, di tích, thắng cảnh của Hà thành, nay chỉ còn là
hình ảnh, được các nhà nhiếp ảnh xưa ghi lại.
Hướng tới 1.000 năm Thăng long – Đông Đô – Hà Nội, Nhà xuất bản Thông Tấn biên
soạn, ấn hành cuốn “Nét xưa Hà Nội” với những tấm ảnh tư liệu quý giá về Hà Nội
từ những năm cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
5. Bộ nội vụ Cục
văn thư và lưu trữ Nhà nước Trung tâm lưu trữ quốc gia II – Về
đạI thắng mùa xuân năm 1975 qua tài
liệu của chính quyền Sài Gòn
– NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội – 2010
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia xuất bản cuốn sách: Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính
quyền Sài Gòn. Cuốn sách gồm ba chương: Chương I: Chính quyền Sài Gòn với
Hiệp định Pari năm 1973; Chương II: Từ thất thủ Phước Long đến phòng tuyến Phan
Rang; Chương III:
Từ cửa tử Xuân Lộc đến sụp đổ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn.
Cuốn sách do
tập thể tác giả công tác tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II - Cục văn thư và lưu
trữ Nhà nước, Bộ nội vụ biên soạn, tuyển chọn trên cơ sở tập hợp những tài liệu
của chính quyền Sài Gòn thu nhập, ghi chép về những sự kiện lịch sử diễn ra
trong giai đoạn từ khi Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết đến kết thúc chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Cho dù qua tư
liệu mà chính quyền Sài Gòn và báo chí phía bên kia để lại đã không thể phản ánh
đầy đủ về biên niên sự kiện, về nguyên nhân thất bại và những thương vong, tổn
thất của họ để lại kể từ sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, đặc biệt là trong
cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tuy nhiên, lịch sử luôn được
quy chiếu trên cơ sở các sự kiện và sự thật, do vậy, cuốn sách có giá trị tham
khảo, giúp cho bạn đọc có được thêm tư liệu theo hướng tiếp cận khác, để qua đó
càng hiểu thêm về ý nghĩa vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.